Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

04.Đức tin và thế giới luận

Ngay lúc này đã có một cái gì đó hiện thị, đó là thế giới.

Thế giới tự thân hiển thị như là một tổng số vô tận của các tiến trình. Nơi nào có tiến trình thì nơi đó có các hiện tượng đang diễn ra. Nơi nào có các hiện tượng đang diễn ra thì nơi đó có yêu cầu về căn nguyên túc lý.

Mọi nỗ lực muốn lĩnh hội được căn nguyên túc lý đều dẫn ngược về một chuỗi vô tận các nguyên nhân khác, bởi vì mỗi nguyên nhân đã được lĩnh hội, đến lượt nó, lại đòi hỏi đến các căn nguyên túc lý khác, và cứ như thế đi ngược cho đến vô cùng mà không có kết thúc.

 Đức tin là hình thức đặc thù của đời sống tinh thần mà từ đó có thể rút ra kết luận rằng : sự thấu hiểu chân chính là điều bất khả đối với đầu óc con người, bởi vì đằng sau các hiện tượng vật lý có một cái gì đó siêu việt, một sức mạnh, mà khi tham chiếu vào đó mọi hiện tượng trong cuộc sống đều trở nên giống như tên gọi của chúng, đó là : hiện tượng của một “sự sống” mà đức tin thường gọi bằng danh từ “Thượng Đế”.

Sức mạnh đứng đằng sau các hiện tượng vật lý, nơi mà đức tin quy kết mọi hiện tượng diễn ra, hẳn phải là “căn nguyên túc lý tự thân”; do đó nó là cái đối chọi với giác quan theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Bởi vì tất cả những gì hiện hữu, không có ngoại lệ, đều đòi hỏi phải có căn nguyên túc lý. Một “căn nguyên túc lý tự thân” phải là cái mà chỉ sự tồn tại đơn giản của nó thôi đã đem tới cho tính-tất-yếu-cho-tư-duy một lời nói dối, bởi vì bản thân nó là cái không cần đến căn nguyên túc lý. Khi tính-tất-yếu-cho-tư-duy của căn nguyên túc lý lại thỏa mãn như thế với một “căn nguyên túc lý tự thân” thì điều này chỉ có nghĩa như vầy : nó thỏa mãn theo nghĩa đối nghịch với giác quan.

Bản chất của những gì đối nghịch với giác quan đều nằm ở điểm này : khi được theo dõi trong lĩnh vực tư tưởng, nó tự tước bỏ khả năng tồn tại. Một sự nhầm lẫn trong tổng số của bài toán số học là một hình thức quen thuộc của sự đối nghịch với giác quan. Nó là cái gì đó, mà trong sự tư duy đúng đắn, lại tự tước bỏ khả năng tồn tại của chính mình; nó là cái làm sự hiểu hiện của mình chỉ còn là cái được biểu hiện và không có gì hơn.

Đức tin đứng vững trong trường hợp này. Đức tin nỗ lực suy tư về cái mà nó tin tưởng, và phải suy tư về cái tự thân hiện lộ cho đức tin dưới hình thức hay mối tương quan này hoặc dưới hình thức hay mối tương quan khác, nghĩa là về phương diện ý niệm. Tuy nhiên, cái siêu việt tự thân hiển thị về mặt khái niệm thì không còn siêu việt nữa, mà trái lại là chỉ là cái hoàn toàn được hình dung bằng khái niệm, chừng nào sự tồn tại của nó còn bao hàm một khái niệm về nó. Bởi vậy, khi đức tin liều lĩnh suy tư thì nó tự tước bỏ khả năng tồn tại; khi nó không suy tư thì nó không tồn tại như một đức tin, và do đó không có sự tồn tại nào.

Khi mọi người, như vẫn thường xảy ra trong thời buổi bây giờ, phàn nàn rằng đức tin ngày càng suy đồi thì lý do thường được đưa ra là đức tin không hàm chứa những yếu tố có giá trị đối với trí năng. Tín đồ phải hiểu y tin tưởng cái gì, vì sao tin tưởng, tin tưởng ra sao và không thể đơn giản là đặt đức tin trên cảm giác. Song điều này ít nhiều cũng giống như việc ta nguyền rủa bóng tối rằng những thành phần tạo nên nó không có đầy đủ ánh sáng. Khi ánh sáng hiện diện thì không còn bóng tối nữa, và khi trí năng hiện diện thì không còn đức tin nữa. Credo ut intelligam[1] là thứ hư huyễn nhất trong mọi điều nguyện ước.

Chủ nghĩa phiếm thần, trong hình thức cao nhã nhất của nó, như trong các kinh điển Vedanta Ấn Độ, cố gắng tránh sự mâu thuẫn nan giải này bằng cách hình dung thần tính của nó với những thuật ngữ phủ định thuần túy. Nhưng câu nói lừng danh “neti, neti” (không phải cái đó, không phải cái đó) cũng là một định nghĩa và như thế là có một giới hạn.

Thông qua điều này, với yếu tính thiết yếu vốn tự tước đoạt đi khả năng tồn tại, đức tin lại xảy ra cùng với vọng tưởng và lầm lạc.

Tôi dùng vọng tưởng để gọi kiến giải sai lầm, còn lầm lẫn để gọi kinh nghiệm sai lầm. Khi tôi ngỡ sợi dây là con rắn hoặc đàn kiến là vết nứt trên mặt đất thì đó là vọng tưởng. Còn khi tôi ngỡ rằng mao trùng được sinh ra từ nước ngâm trong cỏ, hoặc cho rằng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao khác nhau, thì đó là lầm lẫn.

Dựa trên điều này, tức là mối tương quan với vọng tưởng và lầm lẫn, là đặc tính thiết yếu khác của đức tin, nghĩa là đặc tính không thể tái diễn một khi nó đã biến mất. Một khi tôi đã nhận ra rằng sợi dây mà tôi ngỡ là con rắn trên đường đi của tôi chỉ là sợi dây thôi, thì không bao giờ tôi muốn quay về lại với vọng tưởng nữa. Thực ra, tôi có thể dùng sức mạnh của trí tưởng tượng để hình dung sợi dây đó là con rắn, nhưng sự hình dung này không có sức “tác động” nữa, nó không còn gây sợ hãi. Và bằng cách tương tự, tôi hoàn toàn có thể hồi tưởng lại, bằng khả năng thị giác và thính giác, hình ảnh sai lầm về con rắn, nhưng chúng chỉ là những vọng tưởng đã chết. Điều này cũng diễn ra tương tự với lầm lẫn và đức tin.

Mọi người kêu gọi sự hồi sinh của đức tin đã mất, và bằng cách này hay cách khác, hy vọng đức tin sẽ sống dậy, nhưng họ lại không hiểu điều mà họ kêu gọi và hy vọng đó là cái gì. Họ kêu gọi sự phục sinh của sự vô minh đã tan biến-hay sự bất khả tri hoàn toàn.

Hiện nay, có sự phân biệt lớn lao một mặt giữa đức tin, và mặt khác giữa vọng tưởng và lầm lẫn. Về phương diện này, thì đối tượng của vọng tưởng và lầm lẫn mang tính vật lý và vật thể, và do đó có thể được kiểm chứng ngay bằng thực tế. Tuy nhiên, đối tượng của đức tin lại là cái phi vật lý và phi vật thể, nghĩa là cái mà tín đồ tự hình dung ra, nên không thể được kiểm chứng ngay bằng thực tế. Người có đức tin, trái lại, giải thích toàn bộ thế giới theo quan niệm của mình; họ nuốt trộng – có thể nói như vậy- toàn thể thực thể trong thế giới, và xác lập một thế giới quan không thực; bởi vì họ giải thích thế giới vật lý từ quan điểm siêu việt, nghĩa là bất bình thường; do đó không bao giờ họ ở tại vị trí có thể được xác lập ngay trong thực tế, bởi vì họ không thể đánh đổ được các điều mâu thuẫn. Một người phải hiểu được rằng anh ta không biết gì trước khi biết cách để bản thân được dạy dỗ.

Nằm trong sự hòa điệu tuyệt hảo với đặc điểm thiết yếu này của đức tin (trong chừng mực liên quan với nhận thức luận) là đạo lý và tôn giáo : cả hai đều đối nghịch với giác quan.

Yếu tính của mọi nền đạo lý đều nằm trong tính vô ngã. Mọi hành động vô ngã đều đòi hỏi một động cơ. Để có được động cơ này, con người phải học cách nhận thức và thấu hiểu.

Thực ra, cho dù có các hành động hy sinh và từ bỏ, song đặc tính thiết yếu của mọi nền đạo lý và đức tin vẫn là lòng ích kỷ. Tại đây, người ta học tập cách xả ly như một kẻ ngửi thấy hơi đồng của một số tiền lớn và đầu tư số tiền đó vào trong một canh bạc. Giống như con bạc đó cho đi số tiền mà y có thể thu được về nhiều hơn, tại chỗ của mình, một tín đồ cũng thế, họ từ bỏ tiền bạc, của cải, cuộc sống, vâng, cả danh dự và chân lý, từ bỏ tất cả, nếu làm như thế y có thể giành được giải nhất.

Yếu tính của mọi tôn giáo là tìm ra ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Đức tin trong sự tìm kiếm này thỏa mãn mọi người bằng cách quy chiếu toàn bộ cuộc đời đến một cái gì siêu việt. Thế nhưng sự tồn tại của cái siêu việt cũng không gì khác hơn là những khái niệm về nó. Quy chiếu toàn bộ cuộc đời đến một cái gì siêu việt như thế chỉ có nghĩa là quy chiếu cuộc sống vào chính tự thân nó. Có thể nói đó là sự hiểu hiện của vô minh dưới khía cạnh phân tích.

Phát triển những ý tưởng này rộng hơn nữa là điều không cần thiết đối với công việc chúng ta. Tại đây, chúng ta chỉ cần nhớ kỹ một điều : thế giới luận từ quan điểm đức tin, cùng với nền đạo lý và tôn giáo của nó, luôn mâu thuẫn với giác quan. Cả ba đều là chức năng của sự vô tri, và do đó, không có tính hiện thực.


[1] Tỉếng La tinh trong nguyên bản, có nghĩa là “Tôi tin cho nên tôi có thể hiểu”, nói lên sự tương quan giữa đức tin và lý trí. Đây là câu nói nổi tiếng của thánh Anselm of Canterbury (1033 –1109), người được xem như là nhà sáng lập nên triết học kinh viện phương Tây.

Thảo luận