Huỳnh Ngọc Chiến
Huỳnh Ngọc Chiến

03.Thế giới luận là gì và vì sao nó lại quan trọng

Ngày nay, cái mà chúng ta dùng danh từ tập hợp “thế giới” để gọi tên thì trên thực tế phải là một cái gì đấy. Cả người không học lẫn nhà tư tưởng đều dùng chung danh từ này. Nhà tư tưởng cũng không hơn gì, họ chỉ thâu thập được ý nghĩa xác định nào đó bằng cách tham chiếu vào cách giải thích đặc thù – nghĩa là, tham chiếu vào một thế giới quan.

Sự thôi thúc phải giải thích hiện thực — một yêu cầu cần thiết của thế giới quan hay quan niệm về thế giới — đã ăn sâu vào trong ý thức của chúng ta. Kể từ giây phút mà mọi con người bắt đầu suy tư thì y thấy mình bị cuốn vào trong một hệ thống khổng lồ, mà trong đó y phải tìm đường đi, đôi khi phải cố gắng tìm hiểu cái hệ thống đó cho thật tận tường tỷ mỷ.

Hệ thống đó xuất hiện trước mỗi hiện thể dưới hai khía cạnh : một mặt, như là hiện thể hay là “cái đang hiện hữu”; mặt khác lại như là diễn thể hay là một “cái đang diễn ra”, nghĩa là diễn trường cho các biến cố của vạn hữu. Một “hiện thể” mà không gắn liền với diễn thế hay “cái đang diễn ra” thì ít khi được xem như là “diễn thể” có tự tính. Nói khác đi, chỉ có tiến trình là tồn tại.

Đến đây lập tức nảy sinh hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất : “Thế giới là gì?”. Và câu hỏi thứ hai: “Tấn tuồng đời diễn ra thế nào?”.

 Nếu không nắm bắt được ý nghĩa chân thực của cõi đời thì ta, cũng như bao kẻ khác, chẳng hơn gì con lừa thồ những bao bột đầy ắp đến nhà máy, và kéo những bao trống trở về mà không hiểu vì sao. Điều này hoàn toàn đúng. Giá trị con người nằm ở chỗ ta phải tìm cho ra ý nghĩa thực của trần gian. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả.

Tôi đang tồn tại ở đây, đó là một dữ kiện. Dù xưa kia tôi đã không tồn tại ở đây hay tôi chưa từng tồn tại thì cũng không phải vì thế mà cấu trúc thế giới lại có tí rạn nứt nào. Nhưng ngay giờ này tôi đang tồn tại nơi đây, thì tất cả đều tập trung vào một điểm : tôi phải hành xử thế nào trong suốt cuộc đời tôi, tôi phải làm gì trong suốt cuộc sinh tồn của mình? Điều tối quan trọng không phải là sự kiện tôi đang tồn tại ở đây, mà là tôi sẽ sử dụng cuộc sống tôi như thế nào?

Câu hỏi cho cái “như thế nào” (HOW) chỉ có thể được giải đáp một cách tự nhiên thông qua “cái gì” (WHAT). Tôi phải biết được tôi là gì, và vạn hữu quanh tôi là gì. Tôi phải học hỏi được mối tương quan giữa tôi với thế giới ngoại tại, tôi phải nắm bắt được ý nghĩa thực của cuộc sống trước khi tôi có thể có được những tiêu chuẩn về hành vi và đạo đức của mình. Bởi vì mọi nền đạo lý, dù nó có lý giải được lý do hành (làm) chỉ (không làm) hay không, cũng đều phát xuất từ các hành động vị tha. Tuy nhiên điều này yêu cầu phải trưng bày động cơ hành động ra trước, nếu không thì những hành động đó sẽ là hình thức suy đồi ích kỷ của lối tu khổ hạnh, hoặc chỉ mang dáng dấp của nền luân lý mà trên thực tế lại không có liên quan gì đến nó cả. Chỉ nhờ vào sự nhận thức mà mọi hành động mới có được giá trị đạo đức. Ta chỉ có thể nói đến giá trị đạo đức chân chính ở những điểm nó là chức năng nhận thức. Do đó, không thể có một nền đạo lý văng bóng sự thấu hiểu, nghĩa là không có một thế giới quan.

Đó là lý do thứ nhất giải thích vì sao thế giới luận lại quan trọng.

Một người xứng đáng với hai chữ con người cần phải hiểu có phải cuộc đời chỉ là một cuộc phiêu lưu mù quáng hay không, và liệu nó có một mục đích gì chăng. Kẻ suy tư luôn đòi hỏi muốn biết y sẽ được gì sau cuộc đời này. Y khăng khăng muốn nhìn vào kiếp sau. Y thỉnh cầu lời giải đáp cho câu hỏi : “Từ đâu?” và “Về đâu?”.

Nhu cầu tìm hiểu về kiếp sau, việc đặt câu hỏi về ý nghĩa của đời người, được gọi là tôn giáo. Giống như việc đặt câu hỏi : “Tôi phải hành xử thế nào?” chỉ cho phép chúng ta giải đáp một cách tự nhiên khi ta biết mình thực sự là gì, thì vấn đề cũng thế đối với câu hỏi “ Tôi từ đâu tới?” và “Tôi sẽ đi về đâu?”. Chỉ khi nào ta biết ta thì thực sự là gì vấn đề mới thực sự được giải quyết một cách tự nhiên. Một tôn giáo chân chính, cũng như một nền đạo lý chân chính, phải bắt nguồn từ nhận thức. Cả hai đều phải là các chức năng nhận thức.

Đó là hai lý do vì sao đối với một kẻ suy tư, thế giới luận không chỉ đem lại cho y sự thỏa mãn cho tư cách làm người, mà nó còn là một điều thiết yếu tích cực. Thiếu hai lý do đó thì không thể nào có một tôn giáo chân chính và một nền đạo lý chân chính.

Giờ đây, nhìn ngược về thời gian, nghĩa là lịch sử phổ quát, cũng như nhìn quanh ta trong không gian, nghĩa là trong phạm vi dân tộc học, cái nhìn thoáng qua ấy cho thấy rằng trong quá khứ cũng như trong hiện tại chưa bao giờ có một dân tộc nào thiếu đi dấu vết hoặc sự tiếp xúc với tôn giáo và đạo lý. Câu hỏi duy nhất được đặt ra là : Có phải khả năng tự nhiên của con người đối với tôn giáo và đạo lý là chức năng nhận thức chân chính hay không?

Bản chất của mọi sự nhận thức đều mang tính cá nhân. Mọi hành vi nhận thức đều có tính cá nhân riêng lẽ của riêng tôi. Cho dù tất cả mọi người có nhận thức như nhau đi nữa thì nội dung nhận thức vẫn chỉ là sở hữu riêng biệt cho từng cá thể. Nhận thức tách biệt mọi thứ ra.

Đối nghịch lại với nhận thức là một chức năng tự nhiên khác của con người. Đó là cảm xúc. Cảm xúc kết hợp mọi thứ lại. Nếu một sự vật được nhận thức là việc riêng biệt của từng cá nhân, thì sự vật gây cảm xúc lại liên quan đến tập thể. Mọi khả năng tự nhiên của nhân loại đối với tôn giáo và đạo lý đều cùng chứa những tố chất duy trì được những cảm xúc. Tại đây, tất cả các nền đạo lý đều được xây dựng trên cảm giác mang tính bản năng về mối tương quan được diễn tả trong câu nói nổi tiếng sau : “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) hoặc “Nếu bạn muốn người khác làm điều gì cho mình thì hãy làm điều đó cho người khác”.

Phẩm chất kết hợp của cảm xúc, được hiển lộ dưới hình thức lòng trắc ẩn, là biết cảm thông và đau xót nỗi đau của người khác. Những sự kiện như thế, mà ai ai cũng đều thấy cả, làm thức tỉnh và quy thuận theo, trong cảm giác mang tính bản năng về sự kết nối nội tại giữa con người, một nền đạo lý tự nhiên vốn chỉ thuần là chức năng của cảm xúc.

Có thể đặt câu hỏi : “Liệu một nền đạo lý mang tính cảm xúc như thế đã đầy đủ cho nhân loại hay không?”

Nó chỉ đáp ứng cho một nhân loại mà sự mở mang tinh thần chỉ đạt đến mực độ cảm xúc. Tuy nhiên, khi con người bước qua giai đoạn cảm xúc để tiến đến giai đoạn nhận thức thì nền đạo lý cảm xúc không còn đáp ứng đầy đủ nữa; điều đó cũng giống như những lý lẽ mà ta thường dùng để giải đáp những thắc mắc của trẻ con sẽ không thể đầy đủ đối với một người trưởng thành.

Những cảm xúc này sẽ dao động mãi trong một người chừng nào y chưa có ý thức đầy đủ về chính bản thân mình, chưa đạt đến trình độ tư duy thuần túy. Ngay khi y có ý thức đầy đủ về chính bản thân mình thì sẽ nảy sinh nhu cầu tìm hiểu bản thân cũng như tìm hiểu đạo lý và tôn giáo. Chừng nào điều này chưa xảy ra, chừng nào mà các nền đạo lý và tôn giáo vẫn còn là vấn đề của cảm xúc thì chúng vẫn còn là những chủ đề luôn biến động. Do đó mà có vô số sự dị biệt trong các nền đạo lý cũng như tôn giáo tại mức độ cảm xúc. Tại đây, cả hai — dùng theo ngôn ngữ thời thượng — chỉ thuần là những vấn đề của cảm giác mà thiếu đi nền tảng nội tại. Từ đó đã nảy sinh ra những phong tục tập quán của nhiều dân tộc nước ngoài[1] thời cổ sơ và hiện đại, mà ta không sao hiểu nỗi. Ở đây sẽ không đi sâu vào chi tiết. Các tư liệu về lịch sử và các nền văn minh đã cung cấp cho chứng ta đầy đủ những bằng chứng rồi.

Không thể nói được liệu trên tinh cầu của chúng ta đã từng diễn ra tình trạng độc chiếm của những đạo lý và tôn giáo thuần cảm xúc hay không. Sự kiện là khi nhìn ngược dòng lịch sử nhân loại, tại thời điểm khi mà con người đầu tiên trổi dậy, thì sự thuần khiết về cảm xúc trong đạo lý và tôn giáo đã không còn nguyên vẹn nữa. Con người lịch sử, xuất hiện với chúng ta tại các quốc gia Ai Cập và Babylon, đã cho thấy một nền đạo lý và tôn giáo không còn thuần là cảm xúc nũa mà đã mang sắc thái của chức năng tư duy.

Như đã nói, mọi hiện thể, một mặt hiện trình tự thân như là “cái đang hiện hữu”, nghĩa là một hiện thể; mặt khác như là “cái đang diễn ra”, nghĩa là một tiến trình. Và thế giới, bằng sự hiện hữu giản đơn của nó, bằng lý do là một tiến tình trong bản chất, luôn kích thích sự nhận thức và tư duy chừng nào mà lý trí khát khao muốn tìm ra cho được căn nguyên túc lý cho mọi hiện tượng đang diễn ra. “Mọi sự biến đổi rõ ràng trong những sinh vật hữu cơ quanh tôi”, Goethe nói trong tác phẩm Morphology của mình, “đã ám ảnh tâm trí tôi. Óc tưởng tượng và giới tự nhiên dường như đang ganh đua nhau để tiến về phía trước bằng bước chân mạnh bạo hơn và vững chắc hơn”.

Cuộc truy tìm căn nguyên túc lý, như là tất-yếu- tính-cho-tư-duy, luôn diễn ra ở tất cả những nơi có đời sống tinh thần. Căn nguyên túc lý được đòi hỏi cho “cái đang hiện hữu”, cũng như cho “cái đang diễn ra”; và cho cái bao hàm cả hai cái trên. Có được một thế giới luận và nhờ đó có một thế giới quan có nghĩa là hiểu được căn nguyên túc lý.

 Đối với các câu hỏi về căn nguyên túc lý, thái độ tinh thần tách làm hai hướng : một hướng của đức tin và một hướng của khoa học.


[1] Tác giả chỉ các quốc gia khác nước Đức.

Thảo luận