“Tôn giáo trong tương lai phải là một tôn giáo mang tầm vóc vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt lên trên một Thượng Đế được xây dựng theo hình ảnh con người, và tránh được giáo điều cùng thần học. Vì bao hàm được cả yếu tố tự nhiên và tinh thần, nó phải đặt nền tảng trên một cảm thức tôn giáo được phát khởi từ kinh nghiệm về vạn hữu như là một Thể Nhất Như đầy ý nghĩa, trong thế giới tự nhiên lẫn tinh thần. Đạo Phật đáp ứng được điều này. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những yêu cầu của khoa học hiện đại, thì đó sẽ là đạo Phật”.[1]
Đây là câu nói nổi tiếng được trích dẫn rất nhiều, từ những ghi chép chưa được in thành sách, và được cho là của nhà bác học A.Einstein, nêu một nhận định thâm trầm về đạo Phật. Câu nói này thường được chấp nhận như một giá trị mặc nhiên trong giới Phật tử lẫn giới nghiên cứu; song nếu thử đặt câu hỏi : “Khoa học có những yêu cầu gì và đạo Phật đáp ứng các yêu cầu đó như thế nào?” thì chắc không ít người sẽ phải lúng túng, khó lòng đưa ra một câu trả lời thỏa đáng.
Khi chưa nắm được bản chất tinh yếu của khoa học thì ta không thể khẳng định một cách mơ hồ rằng Phật giáo đáp ứng được yêu cầu của nó, dù ta có thâm hiểu Phật giáo sâu đến đâu. Cũng thế, nếu chưa nắm được giáo lý thâm huyền của đức Phật thì ta không thể nhìn thấy được mối quan hệ của nó với thế giới quan khoa học, dù ta có những kiến thức uyên bác về khoa học. Chỉ có những người thấu hiểu bản chất tinh yếu của khoa học lẫn Phật giáo mới có thể chỉ ra mối quan hệ giữa khoa học và Phật giáo một cách thấu đáo mà thôi. Một trong những người hiếm hoi đó là bác sĩ Paul Dahlke.
Paul Dahlke (1865-1928) là một Phật tử Đức thuần thành và có kiến thức sâu rộng về Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada). Do đức tin và khoa học không làm thỏa mãn được một tâm hồn thông tuệ đầy thao thức như ông, nên Paul Dahlke đã tìm đến với đạo Phật. Ông đã nhiều lần sang Tích Lan nghiên cứu văn học Phật giáo Pali, dịch kinh điển và xuất bản nhiều tờ báo Phật giáo tại Đức. Ông cố gắng giới thiệu giáo lý đức Phật dưới cái nhìn của khoa học hiện đại.
Phần lớn những sách trong nguyên tác tiếng Đức của ông đều được Tỳ khưu Sῑlācāra chuyển dịch sang Anh ngữ, góp phần hoằng dương chánh pháp tại những nước nói tiếng Anh. Tác phẩm Đạo Phật và Khoa học (Buddhism and Science) này là một trong những tác phẩm rất nổi tiếng của ông. Với một cái nhìn thâm áo, tác giả người Đức này đã chỉ ra cho chúng ta thấy mối tương quan giữa Phật giáo với khoa học dưới nhiều góc độ, mối tương quan mà từ lâu, dù có cố gắng, phần lớn chúng ta cũng chỉ có được một cảm nhận mơ hồ.
Dịch giả xin có đôi lời dẫn nhập ngắn để đọc giả dễ tiếp cận với tác phẩm.
Cuốn sách này ra đời khi mà ở phương Tây, người ta còn đang mê muội với chiếc đũa thần khoa học, xem nó là chiếc chìa khóa vạn năng để mở toang mọi cánh cửa huyền vi của Tạo hóa. Người ta tin tưởng rằng ánh sáng khoa học sẽ vén được những tấm màn sương mù huyền thoại về tôn giáo để con người nhìn vào hiện thực. Nó giống như câu thần chú thần kỳ “Vừng ơi! Mở cửa ra” trong cây truyện Alibaba của Ngàn lẽ một đêm.
Suốt mấy thế kỷ qua, khoa học đã có những thành tựu vượt ngoài cả sức tưởng tượng và tạo nên những bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử tiến hoá của nhân loại. Khoa học đã thực hiện được biết bao nhiều điều kì diệu mà trước đây người ta chưa thể hình dung nổi, dù chỉ là trong truyện cổ tích. Những thành tựu khoa học còn trở nên huyền thoại hơn cả huyền thoại, có nhiều điều còn vượt xa cả những gì mà người xưa đã tưởng tượng ra trong các tiểu thuyết hoang đường. Một vài triết gia phương Tây tiên đoán rằng, bước vào thế kỉ XXI, triết học có lẽ sẽ kết thúc vai trò lịch sử để nhường lại ”sân chơi” cho khoa học và kĩ thuật. Thế nhưng, trong bước tiến như vũ bão của nó, cho đến nay, khoa học vẫn vấp vào một bức tường bất khả tư nghì của hiện thực. Biết bao nhiêu giả thuyết khoa học được đặt ra để lý giải cho được hiện thực, nhưng “chân diện mục” của hiện thực vẫn là một huyền án thơ mộng thách đố mọi nỗ lực của khoa học.
Suốt tác phẩm, khi phân tích và đối chiếu giáo lý đức Phật với các bộ môn khoa học như vật lý học, sinh lý học, sinh học, với các vấn đề tư tưởng v.v.., tác giả đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng chỉ có đạo Phật mới thực sự là tôn giáo về hiện thực. Vượt lên trên hai thế giới quan được xây dựng trên đức tin của tôn giáo và trên căn nguyên túc lý của khoa học, đạo Phật chỉ ra thế giới như là thế giới, một thế giới Như Thực.
“Siêu việt cả hai cực đoan này, Như Lai chỉ ra chân lý của Trung đạo” [2]
“Giáo lý đức Phật là giáo lý về cái hiện thực, và giá trị của nó — hiểu theo nghĩa là một thế giới quan xét từ quan điểm nhận thức luận— nằm ở chỗ : nó dạy chúng ta chấp nhận hiện thực như là hiện thực”
Đó là thế giới hiện thực, thế giới Như Thực, chứ không phải thế giới được cấu thành từ khái niệm. Nó không tuân theo những quy luật của khoa học, của luận lý, mà luôn ở tình trạng của những tiến trình đang đốt cháy miên tục để đổi mới trong mỗi sát na.
“Hiện thực không chơi cái trò chơi tuân theo những định luật, quy luật lập sẵn được gọi là luận lý : nó chỉ chơi một trò chơi duy nhất — trò chơi lạnh lùng tàn nhẫn của tính tất yếu. Và người thắng trong trò chơi này không phải là người dùng những bờ kè, những bức tường hay những hàng rào trừu tượng để vây quanh cho mình một khu-vườn-thế-giới, mà là người dám hòa theo nhịp điệu thép của tính tất yếu từ vô thủy.”
Thế giới được kiến tạo bằng khái niệm của luận lý, được “tưởng lập”, nghĩa là được kiến tạo bởi trí tưởng thì chỉ là một thế giới chết, một thế giới vắng bóng hiện thực, bởi vì :
“Nơi nào có ‘sự vật được tưởng lập’ thì nơi đó phải có những đồng nhất thể. Nơi nào có những đồng nhất thể thì nơi đó không thể có các tiến trình. Nơi nào không có các tiến trình, thì nơi đó không thể có hiện thực.”
Tất cả chúng ta cần phải thoát khỏi cái thế giới khái niệm để quán chiếu vào hiện thực. Chỉ khi nào hiểu được hiện thực thì ta mới có thể xác định được cho mình một thế giới quan chân chính.
“Nhiệm vụ bắt buộc của mọi nhà tư tưởng nhiệt tình thực sự muốn theo chân đức Phật, muốn thể nghiệm được Ngài trong bản thân mình, là phải tự hiểu một cách minh bạch rằng toàn bộ cuộc sống tinh thần của chúng ta, cái thế giới khái niệm của chúng ta dựa trên những tiền đề giả tạo, mà trong đó, nói theo nghĩa nghiêm xác của danh từ, cuộc sống phải phục vụ cho chân lý chứ không phải chân lý phục vụ cho cuộc sống.”
“Người nào tự nghiệm được sự sụp đổ của những lý tưởng, …., thì người đó sẽ hiểu vì sao đức Phật lại gọi trực giác là “giác ngộ”, là “sự thức tỉnh”. Đó là sự thức tỉnh ra khỏi giấc mơ của thế giới khái niệm. “
Thế giới đầy biến động, đầy bạo lực này là hậu quả của một thế giới quan xem cuộc sống là “cuộc đấu tranh sinh tồn” (struggle for life) của Darwin, trong đó sự đấu tranh giành giật điên cuông đã phá tan đi sự hòa điệu mà cuộc sống lẽ ra phải có. Chính đức Phật đã đến thế gian với một “phúc âm cho tư tưởng “ để giúp chúng ta nhìn vào Thực Tướng của vạn pháp.
“Chính ở điểm này giáo lý đức Phật đã đến như một bậc đạo sư, một nhà giáo dục, một nhà cách mạng thay đổi các giá trị, tóm lại là như phúc âm cho tư tưởng và tạo ra một bước ngoặt mới cho “cuộc đấu tranh sinh tồn” mù quáng, mà tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào đó như những kẻ điên cuồng.”
“Phật pháp là giáo lý về hiện thực, giáo lý về Nghiệp, là kết quả của tư duy chân chánh về hiện thực. Để Phật pháp có thể tiếp cận được với nếp tư duy của con người hiện đại, để con người hiện đại có được tầm nhìn bao quát tự do từ sự tồn tại tủn mủn của những mục đích mà chính họ đã lật lên, có thể phóng được tầm mắt nhìn ra xa qua những bức rào tường rào ngu muội đã ngã đổ, thì cần phải quét sạch những thế giới quan phi hiện thực hay tái tạo hiện thực, hoặc quét trả chúng về đúng lĩnh vực hạn hẹp của chúng. Cần phải nhường chỗ cho hiện thực và tư duy về hiện thực.”
Và cái “tư duy về hiện thực.” đó chính là thông điệp mà đức Phật mang đến cho thế gian, và được tác giả trình bày trong suốt tác phẩm.
Đây không phải là một tác phẩm dễ đọc, như chính tác giả đã tự khẳng định trong lời tựa. Để hiểu được tác phẩm này trọn vẹn, chúng ta cần có một ít kiến thức về sinh học, về vật lý v.v… Những thành tựu của khoa học mà tác giả đề cập trong tác phẩm này phần lớn đã bị vượt qua theo đà tiến của khoa học, nhưng những nhận định của tác giả về bản chất của vấn đề, khi đối chiếu với tư tưởng Phật giáo, vẫn còn nguyên giá trị.
Là kẻ hậu học lại sinh ra ở thời mạt pháp, do có chút cơ duyên với Phật pháp, nên tôi thường cố gắng đọc thêm kinh sách để tìm hiểu. Tác phẩm Đạo Phật và Khoa học (Buddhism and Science) này là một trong những tác phẩm giúp tôi rất nhiều khi tìm hiểu về đạo Phật với cách nhìn mới lạ, dù tác phẩm được viết cách đây gần một thế kỷ. Tôi cố gắng dịch tác phẩm này vừa để học hỏi, vừa để góp một phần rất nhỏ vào kho tư liệu tiếng Việt, mong rằng nó giúp được những người khác hiểu thêm mối tương quan giữa đạo Phật và khoa học.
Bản dịch này được thực hiện theo bản tiếng Anh của Tỳ khưu Sῑlācāra. Tác giả thường dùng những câu văn quá dài — một điều thường thấy trong các phẩm cổ điển của triết học Đức — cùng những điển tích trong văn học phương Tây, trong kinh Thánh và nhiều thuật ngữ Latin. Có nhiều câu quá dài, tôi phải cắt thành vài câu ngắn hơn để nội dung sáng sủa hơn và hợp với văn phong tiếng Việt hơn. Tôi cố gắng chú thích nhiều để giúp bạn đọc đỡ công tra cứu một phần nào; đồng thời có lược bỏ một vài câu xét ra không cần thiết và không ảnh hưởng gì đến nội dung. Những câu chú thích trong nguyên tác của tác giả sẽ được ghi thêm [P.D]. Để bạn đọc dễ theo dõi, những đoạn cần chú thích bằng kinh Thánh, tôi sử dụng bản Kinh Thánh tiếng Việt hiện hành. Để tìm hiểu thêm về những câu kinh văn Pali trích dẫn trong nguyên tác, bạn đọc có thể tìm đọc các bản dịch Trường bộ kinh và Trung bộ kinh của Thượng tọa Thích Minh Châu. Do không biết tiếng La tinh, nên trong phần chú thích những câu chữ La tinh, tôi chỉ có thể tham khảo qua bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Đây thường là những câu trích dẫn thuộc loại kinh điển hoặc nói về các điển cố văn học phương Tây, nên trong bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp đều cơ bản giống nhau; do đó, tôi tin rằng nội dung tương đối chính xác.
Do khả năng hạn chế của dịch giả, nên bản dịch chắc chắn còn rất nhiều sai sót, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của tất cả các bạn đọc. Nếu tác phẩm đem đến được cho bạn đọc một cái nhìn mới về hiện thực, thì xem như dịch giả đã hoàn thành một phần nào tâm nguyện.
Và xin dùng lời kết của tác phẩm để kết thúc lời dẫn nhập này :
“Trên tất cả, quà tặng vinh quang là quà tặng của chân lý”.
Sài Gòn, mùa Phật đản 2553 (2009)
Dịch
giả cẩn chí
[1] The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism
[2] Những câu này được trích từ bản dịch.
Thảo luận